Việc tiếp tục thực hiện Thông tư 30 và Chỉ thị 5105, những áp lực, lo lắng của phụ huynh sẽ được xóa bỏ; vấn đề dạy thêm, học thêm không đúng quy định sẽ được chấm dứt trong năm học mới 2015 - 2016.
Lâu nay, việc phụ huynh bắt con phải học nâng cao, tham gia nhiều lớp học một cách thiếu khoa học khiến cho học thêm, dạy thêm biến tướng dưới nhiều hình thức. So sánh một số học sinh thường xuyên đi học thêm và một số ít em tự học ở nhà, thực tế cho thấy các em tự học thường sáng tạo, chủ động và có tố chất về tư duy. Ngược lại các em đi học thêm thường không có được điều đó vì có tính ỉ lại…Việc dạy thêm học thêm thường tạo tâm lý nể nang, e ngại nên phụ huynh thường cho con mình học thêm tại các thầy cô dạychính khóa. Còn giáo viên khi phụ huynh đã tin tưởng giao phó thì bằng cách này hay cách khác cũng phải cố để con cái họ phải đạt học sinh khá, giỏi. Và vô tình học sinh chính là nạn nhân của bệnh thành tích.
Nhằm giảm áp lực cho học sinh Tiểu học, năm học 2015 – 2016 ngành giáo dục đào tạo tiếp tục thực hiện Thông tư số 30/2014 của Bộ Giáo dục – Đào tạo quy định không dùng điểm số trong đánh giá thường xuyên đối với học sinh Tiểu học. Đây được coi là giải pháp mạnh để giải quyết các vấn đề dạy thêm, học thêm không đúng quy định hiện nay cũng như đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học. Ở bậc tiểu học, các em vốn hồn nhiên, vô tư và luôn mong nhận được những lời động viên, khen ngợi, chỉ bảo ân cần của thầy giáo, cô giáo để các em vui, thích học hơn là những điểm số. Mặt khác, không dùng điểm số trong đánh giá thường xuyên sẽ góp phần tích cực trong việc khắc phục bệnh thành tích, tình trạng học trước chương trình và dạy thêm, học thêm tràn lan, tạo ra những bức xúc cho phụ huynh học sinh và xã hội. Việc đánh giá được thực hiện ngay trong quá trình dạy và học nhằm giúp học sinh rèn luyện, có được kết quả học tập tốt hơn để các em tiến bộ.
Nhằm giảm các áp lực không cần thiết cho học sinh Tiểu học để các em thật sự vui vẻ, thoải mái khi đến trường, năm học này ngành giáo dục đào tạo thành phố cũng tiếp tục triển khai chỉ thị 5015 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học. Đối với những trường tổ chức dạy 2 buổi/ngày, không được giao bài tập về nhà đối với học sinh. Ngoài việc giúp học sinh hoàn thành nội dung các bài học, có thể sử dụng buổi học thứ 2 cho việc tổ chức các hoạt động giáo dục, rèn luyện thể dục thể thao, phát huy khả năng âm nhạc, mỹ thuật … theo nhu cầu của mỗi học sinh hoặc hướng dẫn học sinh tự học, kèm cặp, giúp đỡ những em chưa đạt yêu cầu.
Qua tìm hiểu, hầu hết các trường, các thầy cô giáo trên địa bàn TP. Huế đã thực hiện nghiêm túc quy định trên. Lãnh đạo những trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đều cho rằng, các em đã được học đầy đủ, hoàn thành tốt yêu cầu, nội dung các bài học mà không cần phải làm bài tập thêm ở nhà. Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc và đảm bảo tính bền vững, không để hiện tượng dạy thêm, học thêm tái diễn, cần phải có giải pháp đồng bộ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Hơn ai hết phụ huynh mới là người quan trọng nhất. Chính vì thế, các bậc phụ huynh cần thay đổi quan điểm. Các bậc phụ huynh cùng đồng thuận và “nói không với việc ép con em mình học thêm”. Không nên tạo thêm sức ép cho con mà cần để các em nghỉ ngơi, vui chơi, xem ti vi, hoặc làm những gì mà các em yêu thích. Mỗi tối, phụ huynh nên dành thời gian để trò chuyện về việc học hành theo chiều hướng tích cực, động viên khích lệ để con em mình ngày càng tiến bộ hơn.
|